Các nước bí mật cung cấp vũ khí cho Ukraine sau lưng Nga?

 - Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hồi cuối tuần vừa rồi đã nói rằng một số quốc gia đã cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev mặc dù công khai phủ nhận việc làm đó.

 

Trong những trường hợp như vậy, vũ khí được giao cho quân đội Ukraine thông qua bên thứ ba, ông Kuleba đã cho biết như vậy.

Ngoại trưởng Kuleba đã cung cấp thông tin trên trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ báo Le Parisien của Pháp.

“Hầu hết các nước thứ ba này công khai nói rằng họ không cung cấp bất cứ thứ gì, nhưng mọi thứ đang diễn ra ở hậu trường,” vị quan chức ngoại giao cấp cao của Ukraine cho hay nhưng không đi vào chi tiết cụ thể về việc những quốc gia nào đang bí mật hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Moscow.

Bình luận của Ngoại trưởng Kuleba được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều thông tin cho rằng những nước ủng hộ Ukraine, bao gồm một số quốc gia thành viên của liên minh quân sự NATO, đang gặp phải tình trạng thiếu vũ khí do họ liên tục ủng hộ vũ khí cho Kiev.

Chẳng hạn, theo một bài báo gần đây của tờ New York Times, chỉ các đồng minh NATO “lớn hơn” như Pháp, Đức, Ý và Hà Lan, vẫn có khả năng tiếp tục duy trì hoặc thậm chí có khả năng tăng cường vận chuyển vũ khí tới Ukraine. Trong khi đó, các nước nhỏ hơn đã cạn kiệt nguồn vũ khí để có thể cung cấp cho chính quyền Kiev.

“Các quốc gia nhỏ hơn đã cạn kiệt nguồn vũ khí của họ,” một quan chức NATO đã nói như vậy với tờ báo của Mỹ, đồng thời cho biết thêm rằng ít nhất 20 trong số 30 thành viên của khối NATO đã “khai thác hết nguồn vũ khí của họ”.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã rót cho Kiev hàng tỷ đô la viện trợ quân sự. Moscow đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên “bơm” vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều đó sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến chứ không thay đổi được kết cục, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ xung đột trực diện giữa Nga và liên minh quân sự phương Tây do Mỹ dẫn đầu.

Trong diễn biến mới nhất có liên quan, Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm nay (28/11) tuyên bố nước này có kế hoạch duy trì hoặc tăng viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới.

Sự ủng hộ của chính phủ Anh đối với Ukraine vẫn không thay đổi, bất chấp những bất ổn trong những tháng gần đây khi ông Boris Johnson từ chức và được kế nhiệm lần lượt bởi bà Liz Truss và sau đó là ông Sunak hiện tại.

Về vấn đề Ukraine, Thủ tướng Sunak khẳng định rằng không có sự thay đổi nào trong chính sách mà ông Johnson và bà Truss theo đuổi trước đó.

Ông Sunak cho biết: "Chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến chừng nào còn có thể. Chúng tôi sẽ duy trì hoặc tăng cường viện trợ quân sự vào năm tới. Và chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ mới cho lực lượng phòng không Ukraine".

Vào tháng 9, Anh cho biết họ là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, cung cấp khoản viện trợ 2,3 tỷ bảng Anh (2,8 tỷ USD) trong năm nay.

Nga đã đưa quân vào Ukraine hôm 24/2 với lý do Kiev không thực hiện các thỏa thuận Minsk, được thiết kế để trao cho các khu vực Donetsk và Lugansk quy chế đặc biệt trong nhà nước Ukraine. Các thỏa thuận do Đức và Pháp làm trung gian, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014. Cựu Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko kể từ đó đã thừa nhận rằng mục tiêu chính của Kiev là sử dụng lệnh ngừng bắn để câu giờ nhằm mục đích “xây dựng các lực lượng vũ trang mạnh” cho Ukraine.

Trích Nguồn Báo điện tử VNMedia (http://vnmedia.vn)

http://vnmedia.vn/su-kien-va-van-de/202211/cac-nuoc-bi-mat-cung-cap-vu-khi-cho-ukraine-sau-lung-nga-83766dd/

Đã đăng bởi Phetit trong mục Quốc tế
781 lượt xem