Thứ trưởng Bộ Công an: Cấm tuyệt đối nồng độ cồn nhằm giảm thiểu tai nạn xảy ra

 - Sáng 22/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo

Trước khi bước vào nội dung họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã có thông cáo đặc biệt về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần vào chiều 19/7 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), hưởng thọ 80 tuổi.

Các đại biểu, phóng viên báo đài dự họp báo tại Văn phòng Chủ tịch nước đã dành một phút mặc niệm để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tiếp đó, về nội dung họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 6 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 gồm: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh

Thông tin về  Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Theo ông Tiến, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được xây dựng và ban hành nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Luật được xây dựng trên quan điểm thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp "Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp".

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án phải phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhằm bảo đảm các Tòa án được tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật.

Đồng thời, kế thừa những quy định phù hợp, sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung những vẫn đề mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân đối với tổ chức và hoạt động tư pháp.

Luật được ban hàn gồm 9 chương, 152 điều, giảm 2 chương nhưng tăng 54 điều so với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13; trong đó, sửa đổi, bổ sung 101 điều; bổ sung mới 48 điều và giữ nguyên 3 điều, có nhiều điểm mới về: vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân; đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án; tổ chức xét xử;…

Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai có hiệu quả, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch Triển khai thi hành Luật, theo đó hệ thống Tòa án đang khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức phổ biến, quán triệt Luật. Tuyên truyền, phổ biến về việc triển khai và thực hiện Luật, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Xây dựng, ban hành văn bản triển khai thi hành Luật. Sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, công chức khác, viên chức trong Tòa án nhân dân. Bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho các Tòa án nhân dân…

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn nhằm giảm thiểu tai nạn xảy ra

Trung tướng Lê Quốc Hùng- Thứ trưởng Bộ Công an tại họp báo

Tại họp báo, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, đã giới thiệu về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và cam kết thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật có bố cục gồm 9 chương với 89 điều, quy định các nội dung cụ thể về: nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm…

Tiếp tục kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong đó Luật quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;…

Trả lời câu hỏi của phóng viên về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết khi dự thảo luật đưa ra nhận rất nhiều ý kiến. Đa số đồng thuận nhưng cũng có một số ý kiến băn khoăn quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo Thứ trưởng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định ngưỡng lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn cũng ở mức 0. Còn với người lái xe máy thì chấp nhận trong máu và hơi thở có nồng độ cồn nhưng quy định rõ ngưỡng không vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Tuy nhiên Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định nồng độ cồn bằng 0.

Quy định này xuất phát từ chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tiến tới xây dựng văn hóa trong giao thông đã điều khiển phương tiện thì không uống rượu bia.

"Quy định nồng độ cồn trong máu và hơi thở khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông bằng 0 nhằm thiết lập văn hóa về giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra", Thứ trưởng Hùng nói.

Trung tướng Lê Quốc Hùng cũng cho biết, để triển khai thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, từ nay đến tháng 1-2025, Chính phủ cần ban hành 8 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ cần ban hành 1 Quyết định; các bộ cần ban hành 36 Thông tư quy định chi tiết.

Tại họp báo, đại diện các bộ ngành liên quan cũng đã thông tin về những nét chính của các luật: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Lưu trữ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

P.Mai

Trích Nguồn Báo điện tử VNMedia (http://vnmedia.vn)

http://vnmedia.vn/su-kien-va-van-de/202407/thu-truong-bo-cong-an-cam-tuyet-doi-nong-do-con-nham-giam-thieu-tai-nan-xay-ra-3021715/

Đã đăng bởi Phetit trong mục Pháp luật
2035 lượt xem

Bài viết liên quan