Bạn có biết: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa đầu tiên được khắc tên trên bia Tiến sỹ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám

Để biểu dương nhân tài, khuyến khích việc học tập, năm 1484, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu cho dựng bia đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long. Khoa thi năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) là khoa thi đầu tiên được triều đình dựng bia tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Khoa thi này lấy đỗ 33 Tiến sĩ, trong đó 3 người đỗ đầu là: Trạng nguyên Nguyễn Trực, Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, Thám hoa Lương Như Hộc.

Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417 - 1473) người thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, chăm chỉ. Năm 18 tuổi, Nguyễn Trực đỗ đầu khoa thi Hương trường thi Sơn Tây. Năm 26 tuổi, ông đỗ Trạng nguyên khoa thi 1442 đời vua Lê Thánh Tông. Ông trở thành vị Trạng nguyên đầu tiên của triều Lê. Trong những năm quan trường, Nguyễn Trực từng giữ nhiều trọng trách như: Hàn lâm viện Thừa chỉ (chức quan chuyên trách việc soạn thảo văn bản của triều đình, phụ trách việc biên soạn quốc sử, thảo luận kinh truyện cùng vua).

Năm 1473, ông được triều đình tin tưởng giao giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng), chăm lo việc rèn tập sĩ tử, đào tạo nhân tài cho đất nước. Học trò xưng tụng ông là Sư Liêu tiên sinh. Khi đi sứ sang nhà Minh, gặp kỳ thi Đình, Nguyễn Trực đã ứng thí và đỗ Trạng nguyên nhà Minh, trở thành Lưỡng quốc Trạng nguyên. Vua Lê Nhân Tông từng sai họa công vẽ ảnh ông đặt bên cạnh để tỏ ý không quên. Vua Lê Thánh Tông còn sai đem sách Thiên Nam dư hạ đến tận nhà để Nguyễn Trực điểm bình, các thơ văn khác do vua sáng tác cũng phần nhiều đưa cho ông nhận xét, bình luận trước. Các tác phẩm của ông có Bối Khê thi tập, Hủ Liêu tập, Ngu nhàn tập, Kinh nghĩa chư văn.

 

Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ (1424 – 1525), người xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông đỗ Bảng nhãn khi mới 19 tuổi. Nguyễn Như Đổ làm quan trải 8 triều vua đầu thời Lê, thăng đến chức Lại bộ Thượng thư (chức quan đứng đầu bộ Lại, phụ trách việc quan tước, thuyên chuyển, lựa chọn, xét công, bãi truất và thăng thưởng, bổ sung quan lại, cung cấp người cho các nha môn), kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Ba lần trong các năm 1443, 1450 và 1459, ông được triều đình cử đi sứ sang nhà Minh. Tác phẩm của ông hiện còn 6 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục.

Thám hoa là Lương Như Hộc (1420 – 1501), người xã Thanh Liễu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông là người đầu tiên truyền dạy nghề in mộc bản cho dân hai làng Liễu Tràng và Hồng Lục quê ông. Lương Như Hộc được xem là ông tổ nghề in mộc bản ở nước ta. Ông làm quan đến chức Đô ngự sử (chức quan cao nhất trong Ngự Sử Đài, chuyên trách can gián những việc được xem là không đúng hoặc chưa tốt của vua và quan lại), hai lần được triều đình cử đi sứ sang nhà Minh. Trong Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú) có đoạn ca ngợi ông rằng: “Lúc trẻ, được Thái Tổ biết đến, lúc lớn được Thánh Tông tin dùng, tư cách con người và việc làm đều đầy đủ. Làm con thì hiếu, làm tôi thì trung. Trải thờ bốn triều, trước sau một tiết.”

Với những đóng góp quý báu cho sự nghiệp giáo dục, ngoại giao, chính trị, văn chương nước nhà, ba vị tam khôi của khoa thi tiến sĩ năm 1442 là những bậc danh thần được triều đình kính trọng, là tấm gương sáng về tài năng, đức độ cho thế hệ sau noi theo.

P.V

Trích Nguồn Báo điện tử VNMedia (http://vnmedia.vn)

http://vnmedia.vn/giai-tri-so/202407/ban-co-biet-trang-nguyen-bang-nhan-tham-hoa-dau-tien-duoc-khac-ten-tren-bia-tien-sy-tai-van-mieu-quoc-tu-giam-a682921/

Đã đăng bởi Phetit trong mục Du lịch
3276 lượt xem

Bài viết liên quan

00:00 Thịnh hành Cuba, điểm đến văn hóa số 1 thế giới

Cuba, điểm đến văn hóa số 1 thế giới

3748 lượt xem