Tìm hiểu về việc khuyến khích học tập, coi trọng hiền tài qua bia tiến sỹ khoa thi năm 1442

Trên bia Tiến sĩ khoa thi năm 1442 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám có khắc bài văn bia do Đông các Đại học sĩ (chức quan đứng đầu Đông các - cơ quan soạn thảo, hiệu đính các văn bản của triều đình) Thân Nhân Trung biên soạn. Nội dung bài văn bia đã cung cấp cho chúng ta những thông tin về truyền thống coi trọng giáo dục đào tạo và đề cao người tài.

Các triều đại đã sớm thấy được tầm quan trọng của nhân tài đối với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, để tỏ rõ việc khuyến khích học tập, coi trọng hiền tài, năm 1484, Vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cho dựng bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khoa thi đầu tiên được dựng bia là khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại bảo 3 (1442).

Trên bia còn lưu giữ nhiều thông tin quý về khoa thi năm 1442 như số lượng người dự thi có 450 người, lấy đỗ được 33 Tiến sĩ và họ tên của các vị quan trông thi, chấm thi đều là những vị quan đại thần, các nhà khoa bảng như: Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, Thượng thư (tương đương Bộ trưởng ngày nay) Lê Văn Linh…

Bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442)

Nội dung bài văn bia còn cho biết sau khi thi đỗ, các Tiến sĩ được nhà vua ban thưởng như: Tên của các vị Tiến sĩ được ghi lên bảng vảng, được ban mũ, áo, cân đai, được dự yến tiệc, và ngựa quý để vinh quy. Học trò và dân chúng ở kinh thánh đều tụ tập ngưỡng mộ đến xem.

Bên cạnh đó, bài văn bia đã cho thấy rõ việc coi trọng hiền tài của triều đại đương thời: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”.

Trải qua gần 600 năm tấm bia vẫn còn trường tồn với thời gian. Các vị Tiến sĩ được khắc tên trên tấm bia này đều là những danh nhân có nhiều đóng góp cho nước nhà như Trạng nguyên Nguyễn Trực từng làm Tế tửu (chức quan đứng đầu) Quốc Tử Giám, được cử đi sứ nhà Minh. Bảng nhãn của khoa thi này là Nguyễn Như Đổ cũng đã từng là Tế tửu Quốc Tử Giám. Đỗ Thám hoa là Lương Như Hộc, là người đầu tiên truyền dạy nghề in mộc bản cho dân hai làng Liễu Tràng và Hồng Lục. Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên là một nhà sử học, ông là người có công lớn trong việc biên soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư gồm 15 bộ.

Qua những thông tin được khắc ghi trên bia đề danh Tiến sĩ khoa thi 1442, chúng ta phần nào thấy được việc giáo dục, đào tạo nhân tài luôn là điều được quan tâm thực hiện ở mọi thời đại.

P.V

Trích Nguồn Báo điện tử VNMedia (http://vnmedia.vn)

http://vnmedia.vn/giai-tri-so/202407/tim-hieu-ve-viec-khuyen-khich-hoc-tap-coi-trong-hien-tai-qua-bia-tien-sy-khoa-thi-nam-1442-25d3122/

Đã đăng bởi Phetit trong mục Du lịch
4556 lượt xem

Bài viết liên quan

00:00 Thịnh hành Cuba, điểm đến văn hóa số 1 thế giới

Cuba, điểm đến văn hóa số 1 thế giới

5873 lượt xem