Cảnh giác trước 4 chiêu trò lừa đảo trực tuyến tuần qua

 - Trong 4 chiêu trò lừa đảo trực tuyến vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cảnh giác để tránh bị chiếm đoạt tài sản trong tuần từ ngày 8/4 đến ngày 14/4, có làm giả hóa đơn chuyển tiền, lừa bán điện thoại giá rẻ...

Chiếm đoạt tài sản bằng chiêu trò tạo hóa đơn chuyển tiền giả

Công an Lào Cai vừa điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng H.T.N (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Đối tượng này đã chụp mã QR của các cửa hàng và gửi cho một đối tượng khác quen qua mạng xã hội để tạo các hóa đơn chuyển tiền giả. Với thủ đoạn này, đối tượng H.T.H đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều cửa hàng trên địa bàn thành phố Lào Cai. Với mỗi hóa đơn chuyển tiền giả, H.T.N trả công 70.000 đồng cho đối tượng làm giả hóa đơn.

 

Trước thông tin về hình thức lừa đảo chụp mã QR của các cửa hàng để tạo hoá đơn chuyển tiền giả kể trên, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân:  Khi sử dụng phương thức giao dịch qua tài khoản ngân hàng, cần để ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.

Ngoài ra, hình ảnh ‘giao dịch thành công’ bị làm giả có một số đặc điểm khác với hình ảnh từ ngân hàng chính thống về màu sắc, phông chữ, thời gian… “Người dân cũng không nên cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email... cho bất kỳ ai kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước”, Cục An toàn thông tin lưu ý thêm.

Cảnh giác khi sử dụng các ứng dụng hẹn hò trực tuyến

Cục An toàn thông tin cho biết, theo thông tin từ Công an Hà Nội, gần đây một phụ nữ sống tại Hà Đông (Hà Nội) đã bị một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khi tham gia hẹn hò online. Cụ thể, đối tượng lừa đảo đã nhờ nạn nhân đăng nhập tài khoản của mình trên trang mexcglobali66.com để giao dịch chứng khoán. Qua vài ngày đăng nhập, thấy giao dịch thu lợi nhuận cao, nạn nhân đã nhờ đối tượng dạy tham gia đầu tư, giao dịch mua chứng khoán và bị lừa chiếm đoạt 914 triệu đồng.

 

Trường hợp trên chỉ là một trong nhiều nạn nhân của chiêu trò lừa đảo, dụ dỗ đầu tư tài chính khi tham gia hẹn hò online. Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là tìm kiếm nạn nhân qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến có nhiều người tham gia như Tinder, EzMatch, Litmatch, Hullo... và tạo tài khoản với thông tin giả mạo.

Sau khi kết bạn và tạo được sự tin tưởng, đối tượng chuyển cuộc trò chuyện sang chủ đề tài chính, khuyến khích nạn nhân tham gia đầu tư tài chính với lợi nhuận cao. Cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp bị lừa chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỷ đồng.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác khi sử dụng các app hẹn hò online, nhận lời mời kết bạn từ người lạ trên các mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò; Cẩn trọng khi tham gia ứng dụng, website đầu tư tài chính online có nhiều rủi ro. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để được hỗ trợ giải quyết kịp thời vụ việc.

Lừa bán điện thoại giá rẻ để chiếm đoạt tiền tỷ

Công an Hà Tĩnh vừa triệt phá đường dây lừa đảo ‘bán điện thoại chính hãng giá rẻ’ có sự tham gia của nhiều đối tượng, thu giữ 20 máy tính và khoảng 3.000 điện thoại chất lượng kém, hàng giả là công cụ để các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa bán điện thoại di động giá rẻ trên các nền tảng Facebook, Shopee, Lazada, TikTok, Tiki. Chúng đăng tải hình ảnh điện thoại chính hãng có giá rẻ hơn rất nhiều so với thực tế, chỉ từ 1,5 đến 2 triệu đồng và sau đó giao hàng là sản phẩm giả. Đường dây này đã lừa đảo khoảng 7.000 bị hại và chiếm đoạt tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng.

 

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân chỉ nên thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín của người bán, đảm bảo sản phẩm có thông tin đầy đủ và được mô tả chính xác. Người dân cần tỉnh táo khi đọc các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm; Nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng nằm đảm bảo quyền lợi của bản thân.

Nguy cơ người dùng iPhone bị tấn công mạng, lừa đảo

 

Dẫn lại thông tin về việc hãng công nghệ Apple gửi cảnh báo tới những người dùng iPhone trong diện có nguy cơ trở thành nạn nhân của ‘cuộc tấn công phần mềm gián điệp đánh thuê’, Cục An toàn thông tin còn cho hay, trong 3 năm qua, Apple đã đưa ra một số cảnh báo tương tự. Những lần trước, Apple gọi các đối tượng là ‘những kẻ tấn công được nhà nước bảo trợ’; còn đây là lần đầu hãng dùng cụm từ ‘phần mềm gián điệp đánh thuê’.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến nghị những người dùng iPhone tại Việt Nam nếu nhận được cảnh báo của Apple, nên liên hệ bộ phận kỹ thuật của hãng để được hỗ trợ. Những người dùng iPhone chưa nhận được cảnh báo cũng cần cảnh giác với các rủi ro bảo mật.

PV

Trích Nguồn Báo điện tử VNMedia (http://vnmedia.vn)

http://vnmedia.vn/cong-nghe/202404/canh-giac-truoc-4-chieu-tro-lua-dao-truc-tuyen-tuan-qua-b7f1dbf/

Đã đăng bởi Phetit trong mục Công nghệ
5609 lượt xem