Du lịch Việt Nam hướng tới chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

- Sáng 12/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2024, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu tham dự Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết thích ứng với biến đổi khí hậu vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, Du lịch Việt Nam đã từng bước triển khai du lịch xanh, loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.

​Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động vận động các doanh nghiệp du lịch thực hiện chuyển đổi xanh để chung tay bảo vệ môi trường, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế xanh trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ xanh và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và hành động của doanh nghiệp du lịch theo hướng chuyển đổi xanh để ngành du lịch phát triển bền vững, hiệu quả. Hành động cụ thể của Hiệp hội Du lịch Việt Nam là tổ chức Hội chợ VITM Hà Nội 2024 với chủ đề là “Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhiều năm qua đã cùng đồng hành, hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam thực hiện Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam” và Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa”. Đây là hoạt động thiết thực góp phần phát triển bền vững du lịch Việt Nam.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Chính phủ đã chỉ đạo ngành Du lịch xây dựng và triển khai chương trình hành động Du lịch xanh giai đoạn 2023 -2025. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Qua đó, thể hiện sự quan tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với du lịch.

Sau giai đoạn dịch bệnh, du lịch xanh, du lịch tái tạo, hướng tới phát triển bền vững đang nhận được sự quan tâm và rất nhiều du khách lựa chọn. Vì vậy, trên phương diện nhà cung cấp dịch vụ, quản lý du lịch cần đáp ứng được những nhu cầu này. Tại Diễn đàn lần này, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị các diễn giả tham dự sẽ cùng tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp thiết thực  hướng tới phát triển du lịch xanh tại Việt Nam, từ đầu vào của doanh nghiệp tới nhận thức đúng của người làm du lịch, hướng tới làm hài lòng du khách, tạo dựng giá trị xanh. Phó Cục trưởng mong rằng các chuyên gia có mặt tại Diễn đàn lần này sẽ lan tỏa thông điệp để ngành du lịch tiếp tục hành động, xây dựng những tiêu chí để chứng nhận công nghệ xanh, cũng như vinh danh những điểm đến xanh, doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh…

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Chia sẻ về quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch Việt Nam, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam nhận định, du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Du lịch Việt Nam đạt được những thành công này nhờ rất nhiều vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao cuộc sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Patrick cho biết thêm, theo quan điểm của UNDP, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào một số các vấn đề như quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và các-bon thấp; du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.

UNDP sẵn sàng hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các bên liên quan khác trong quá trình chuyển biến Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch có trách nhiệm và có tính cạnh tranh. Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ đóng vai trò là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của Việt Nam cho các thế hệ mai sau.

Diễn đàn gồm 2 phiên, Phiên I về Nhận thức về chuyển đổi xanh trong du lịch và Phiên II là Tọa đàm về Giải pháp chuyển đổi xanh đối với du lịch Việt Nam.

Trong Phiên I, các lãnh đạo và đại biểu tham dự đã lắng nghe một số tham luận về Chuyển đổi xanh và du lịch; Thực trạng, thách thức và giải pháp phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam; Chuyển đổi xanh trong du lịch - Vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan; Chuyển đổi xanh cho một điểm đến của du lịch Việt Nam; Phát triển và thực hiện các công nghệ xanh cho doanh nghiệp Du lịch.

Tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã chỉ ra 6 thách thức về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam như: Nhận thức chưa đầy đủ về tăng trưởng xanh; Thiếu cơ chế và hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; Vấn đề tài chính và đầu tư; Việc tiêu thụ năng lượng, tài nguyên; Tình trạng xả thải của phương tiện và điểm đến còn cao; và Hiệu quả áp dụng cơ chế chính sách còn hạn chế.

Đồng thời đưa ra một số giải pháp cải thiện để thúc đẩy phát triển du lịch xanh tại Việt Nam, gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; Phát triển du lịch trên cơ sở tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ tài nguyên, bảo đảm tính nguyên sơ, nguyên bản của giá trị cảnh quan tự nhiên và di sản văn hóa dân tộc; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch vào kinh doanh du lịch; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn ngành du lịch và người dân về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh;…

Trình bày tham luận về Chuyển đổi xanh trong du lịch - Vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, ông Nguyễn Hà Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hội Lữ hành Quảng Ninh đã đưa ra một điển hình tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh là huyện đảo Cô Tô trong việc gìn giữ môi trường, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững. Theo đó, từ tháng 9/2023 huyện Cô Tô áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon về đồ nhựa dùng một lần ra đảo.

Để tạo đà cho du lịch chuyển đổi xanh, ông Hải cho rằng Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho những dự án phát triển du lịch xanh, bền vững. Cần sớm xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành du lịch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tập trung các nhiệm vụ phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững; ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh cấp quốc gia cho từng lĩnh vực du lịch theo tiêu chí chung của quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Thảo luận về các giải pháp chuyển đổi xanh đối với du lịch Việt Nam tại Phiên II, các diễn giả đều nhất trí về việc xây dựng không gian du lịch xanh. Trong đó tận dụng không gian xanh để xây dựng công trình du lịch, tận dụng ánh sáng tự nhiên, giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu, giảm tiêu tốn điện năng và phát thải các-bon. Đồng thời tính toán kêu gọi đầu tư lâu dài để áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng thông minh tại điểm đến. Khoanh vùng thí điểm không gian du lịch xanh. Xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên các tiêu chí xanh, phù hợp với điểm đến, môi trường sống, hướng tới điểm đến tăng trưởng xanh. Cần có cam kết từ điểm đến, xác định không rác thải nhựa, sử dụng sản phẩm xanh và quan trọng nhất đó là đào tạo nhân lực xanh.

P.V

Trích Nguồn Báo điện tử VNMedia (http://vnmedia.vn)

http://vnmedia.vn/giai-tri-so/202404/du-lich-viet-nam-huong-toi-chuyen-doi-xanh-de-phat-trien-ben-vung-3ea32de/

Đã đăng bởi Phetit trong mục Du lịch
4496 lượt xem

Bài viết liên quan