"Monkey Man" - Siêu phẩm hành động đáng chú ý với cơn mưa lời khen

 - Sau hàng ngàn năm, thần khỉ Hanuman vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong tín ngưỡng Hindu. Monkey Man (tựa Việt: Monkey Man Báo Thù) bắt rễ từ thần thoại lâu đời này, kết hợp câu chuyện trả thù đẫm máu với yếu tố tâm linh huyễn hoặc, là tác phẩm hành động đáng chú ý trong tháng 4 này.

Monkey Man Báo Thù là hành trình trả thù của một kẻ vô danh (Dev Patel thủ vai) sống mòn lâu năm dưới đáy xã hội Ấn Độ. Chán ghét với cuộc sống bất công, chàng trai trẻ tuyên chiến với những kẻ đã cướp đi gia đình mình năm xưa. 

 

Đây là bộ phim đánh dấu màn ra mắt của Dev Patel với cương vị đạo diễn. Tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của anh, phản ánh ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn Độ đối với con người: “Lúc còn nhỏ, ông tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện về Thần Khỉ linh thiêng Hanuman. Và tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi biết được số lượng truyện tranh hiện đại lấy cảm hứng từ Triêt học và Hình tượng học (iconography) phương Đông. 

Về cơ bản, Monkey Man Báo Thù là một bức tình thư tôi muốn gửi tới gia đình của mình. Phim là sự pha trộn giữa những câu chuyện thần thoại mà ông và bố đã kể cho tôi nghe, là cách để tôi tôn vinh những người phụ nữ phi thường mà tôi đã gặp trong cuộc đời của mình - trước hết là mẹ tôi, và là câu chuyện về những gì mà một người có thể làm để báo thù cho người mà họ hết mực yêu thương”. Hiện siêu phẩm đến từ NSX Jordan Peele "tươi rói" 87% điểm Rotten Tomatoes cùng cơn mưa lời khen.

Cảm hứng thần thoại

Monkey Man Báo Thù được lấy cảm hứng từ câu chuyện Hanuman - vị thần đầu khỉ thân người biểu tượng của sự thông thái, sức mạnh, lòng dũng cảm, tận tâm và nhất mực trung thành trong thần thoại Hindu. 

 

Truyền thuyết về Thần Khỉ được cho là đã xuất hiện trong giai đoạn từ năm 1500 cho tới 1200 Trước Công nguyên và lần đầu xuất hiện trong một bài Thánh ca trong “Rigveda” - tuyển tập Thánh ca cổ được tôn vinh là một trong số 4 văn bản linh thiêng nhất của Đạo Hindu. Còn được gọi là Maruti, Bajrangabali và Ajaney, Hanuman được khắc họa trong các sử thi kinh điển bằng tiếng Phạn “Mahabharata” và “Ramayana” như một biểu tượng của sự tự do. 

Mẹ của Hanuman, Anjana, là một apsara (tiên nữ) bị một nhà hiền triết giận dữ biến thành khỉ. Nhà hiền triết cho biết Anjana có thể trở lại hình dạng ban đầu nếu sinh ra một đứa con trai mạnh mẽ. Cha của Hanuman là thần gió Vayu. Ngay từ khi sinh ra, Hanuman đã nổi danh với sức mạnh hơn người. 

Một trong những câu chuyện nổi tiếng về vị thần này là việc Hanuman bay lên trời trong một buổi bình minh, định “hái” mặt trời vì tưởng đó là một quả chín. Hanuman bị vua của các vị thần là Indra trừng phạt bởi một tia sét giáng trúng cằm, ngã xuống đất chết. 

 

Vayu, tức giận vì những gì Indra đã làm với con trai mình, đã lấy hết không khí từ Trái đất, khiến mọi sinh vật phải khốn khổ. Shiva, vị thần thời gian và sự hủy diệt và là một trong những vị thần chính của Ấn Độ giáo đã hồi sinh Hanuman. Chỉ khi đó Vayu mới đưa không khí trở lại hành tinh. Indra, nhận ra sai lầm của mình, đã ban cho Hanuman một điều ước rằng cơ thể của anh ta mạnh mẽ như vajra (tiếng sét) của mình, đồng thời ban cho Hanuman khả năng miễn nhiễm với các tia sét. 

Được các vị thần ban phước khả năng chống chịu lại lửa, gió, nước và sự bất tử, Thần khỉ trở thành một chiến binh mạnh mẽ, tài giỏi, là một nhân vật quan trọng trong Ramayana. Có lẽ chiến công nổi tiếng nhất của Hanuman là dẫn đầu một đội quân khỉ giúp Rama giải cứu Sita. 

Thần khỉ trở lại

Mặc dù sở hữu sức mạnh to lớn, nhưng hình tượng của Hanuman thống nhất trong văn hóa Hindu đại diện cho sự khiêm tốn, vị tha, trung thành phò tá hóa thân thứ bảy của vị thần Hindu Vishnu là Rama. Một lần nữa những phẩm chất đó lại được nhắc đến, lần này với Monkey Man Báo Thù. Ở đó, nhân vật chính của phim sẽ đi qua những thử thách tăng dần, giống như những gì Hanuman trải qua trên hành trình phụng sự Rama. Câu chuyện trả thù của Kid không chỉ là cơn thịnh nộ của người yếu thế, đó là một hành trình tâm linh phảng phất sự giác ngộ. Bộ phim hứa hẹn vượt qua những khuôn mẫu phim hành động truyền thống bằng cách đưa câu chuyện cùng sự phát triển nhân vật vào một bối cảnh văn hóa rộng lớn. 

 

Dev nói thêm: “Tôi thực sự muốn đề cập đến hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ, ý tưởng về nơi người nghèo như nô lệ dưới đáy xã hội, sau đó bạn đến vùng đất của các vị vua và ở trên họ, bạn có Chúa, vị thần nhân tạo làm ô uế và băng hoại tôn giáo, và rồi bạn đến được thiên đường.”

Dev Patel đã phát triển kịch bản cùng với những tài năng như Paul Angunawela và John Collee. Anh kết hợp hai niềm đam mê lớn nhất của mình - tình yêu phim hành động và tình yêu với những câu chuyện do ông nội kể - tạo ra một thế giới trên màn ảnh thu hút trí tưởng tượng của khán giả thế giới. Trong khi đạo diễn SS Rajamouli đưa một phần lịch sử Ấn Độ đến với khán giả toàn cầu bằng bộ phim RRR, thì Dev đã đẩy giới hạn này tiến thêm một bước đáng kể bằng cách thực hiện một bộ phim hành động Hollywood lấy cảm hứng từ thần thoại Ấn Độ, lấy bối cảnh ở Ấn Độ, nhưng có lời kêu gọi toàn cầu. 

MONKEY MAN - (tựa Việt: MONKEY MAN BÁO THÙ) đang chiếu tại rạp.

Lâm Trần

Trích Nguồn Báo điện tử VNMedia (http://vnmedia.vn)

http://vnmedia.vn/giai-tri-so/202404/monkey-man-sieu-pham-hanh-dong-dang-chu-y-voi-con-mua-loi-khen-8fb0c5e/

Đã đăng bởi Phetit trong mục Văn hóa
761 lượt xem

Bài viết liên quan